DANH MỤC SẢN PHẨM

Tổng Quan Về Quá Trình Xác Nhận Đo Lường

Việc quản lý đo lường tại bất cứ ngành nghề nào đều là một trong những bước quan trọng nhất, có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả công việc. Nhưng ít ai biết về quá trình xác nhận đo lường gồm những gì. Mời các bạn cùng xem tại bài viết dưới đây.

Sơ lược về quản lý đo lường

Một hệ thống quản lý đo lường hiệu quả đảm bảo rằng các thiết bị đo như thước eke, máy đo và phương pháp đo phù hợp với mục đích sử dụng và rất quan trọng để đạt được các mục tiêu quản lý và chất lượng sản phẩm. Rủi ro do kết quả đo lường không chính xác ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm của tổ chức.

đo lường

Quản lý đo lường

Các phương pháp được sử dụng cho một loạt các hệ thống quản lý đo lường, từ kiểm tra nghiệm thu thiết bị cơ bản đến nghiệm thu, áp dụng các kỹ thuật thống kê trong việc kiểm soát các quá trình đo lường.

Quá trình xác nhận đo lường

Quá trình xác nhận đo lường có hai đầu vào, các yêu cầu về đo lường của khách hàng và các đặc trưng đo lường của thiết bị đo, và một đầu ra, đó là tình trạng về xác nhận đo lường của thiết bị đo.

Các yêu cầu về đo lường của khách hàng (Gọi tắt là CMR)

Các yêu cầu về đo lường của khách hàng là những yêu cầu về đo lường do khách hàng quy định khi liên quan tới quá trình sản xuất của khách hàng. Vì vậy chúng phụ thuộc vào yêu cầu kỹ thuật của các thông số được đo.

CMR bao gồm những điều liên quan tới kiểm tra xác nhận sản phẩm phù hợp với quy định kỹ thuật của khách hàng, cùng những vấn đề xuất hiện từ việc kiểm soát quá trình sản xuất và đầu vào của các quá trình này.

đo lường

Các yêu cầu về đo lường của khách hàng

Việc xác định và quy định những yêu cầu này thuộc trách nhiệm của khách hàng, tuy nhiên quá trình này có thể được thực hiện dựa trên sự nhân danh khách hàng bằng một số người có khả năng thích hợp.

Công việc này thường yêu cầu phải có kiến thức sâu sắc về quá trình sản xuất cũng như về đo lường. CMR cũng cần tính đến các rủi ro của những phép đo không tốt và những ảnh hưởng của chúng đến tổ chức và việc mua bán. CMR có thể diễn đạt bằng sai số cho phép lớn nhất, các giới hạn vận hành vv...

Những yêu cầu này cần đầy đủ chi tiết để theo đó người thực hiện việc xác nhận đo lường có thể quyết định dứt khoát xem một thiết bị đo cụ thể có dùng được cho việc kiểm soát, đo, theo dõi một thông số hoặc đại lượng xác định theo mục đích sử dụng đã quy định của nó hay không.

Các đặc trưng đo lường của thiết bị đo (Gọi tắt là MEMC)

Vì các đặc trưng đo lường của thiết bị đo thường được xác định bằng hiệu chuẩn (hoặc một số hiệu chuẩn) và/hoặc thử nghiệm nên bộ phận quản lý đo lường trong hệ thống xác nhận đo lường phải quy định và kiểm soát tất cả các hoạt động cần thiết đó.

Đầu vào của quá trình hiệu chuẩn là thiết bị đo, chuẩn đo lường và một thủ tục ấn định điều kiện môi trường. Kết quả hiệu chuẩn cần bao gồm sự trình bày về độ không đảm bảo đo.

đo lường

Các đặc trưng đo lường của thiết bị đo

Đây là một đặc trưng đầu vào quan trọng để đánh giá độ không đảm bảo của quá trình đo khi thiết bị được sử dụng.

Kết quả hiệu chuẩn được làm thành tài liệu trong hệ thống xác nhận đo lường bằng bất cứ phương pháp thích hợp nào, ví dụ như giấy chứng nhận hoặc biên bản hiệu chuẩn (khi hiệu chuẩn ở bên ngoài) hoặc bằng hồ sơ về kết quả hiệu chuẩn (khi hoàn toàn thực hiện trong bộ phận quản lý đo lường của tổ chức).

Các đặc trưng quan trọng của phép đo, ví dụ như độ không đảm bảo, không chỉ phụ thuộc vào thiết bị đo, mà còn phụ thuộc vào môi trường, thủ tục đo và đôi khi vào sự lành nghề và kinh nghiệm của người vận hành. Do đó, điều quan trọng là cần xem xét toàn bộ quá trình đo khi lựa chọn thiết bị để đáp ứng các yêu cầu.

Việc xem xét này là trách nhiệm của bộ phận quản lý đo lường đối với tổ chức, tuy nhiên, các hoạt động cụ thể có thể được thực hiện bởi một tổ chức hoặc một cá nhân có trình độ phù hợp, ví dụ một nhà khoa học đo lường độc lập.

Xem thêm: Những Điều Bạn Cần Biết Về Bút Đo TDS

Kiểm tra xác nhận đo lường

Sau khi hiệu chuẩn, MEMC được so sánh với CMR trước khi xác nhận thiết bị cho việc sử dụng đã định của nó.

Ví dụ: sai số số chỉ được thông báo của thiết bị đo sẽ được so sánh với sai số cho phép lớn nhất được quy định như là một CMR. Nếu sai số thông báo nhỏ hơn sai số cho phép lớn nhất, cần thực hiện hành động để loại bỏ sự không phù hợp hoặc cần thông báo cho khách hàng biết là thiết bị không thể phù hợp.

Sự so sánh trực tiếp MEMC và CMR thường gọi là kiểm tra xác nhận (xem TCVN ISO 9000). Hệ thống xác nhận đo lường dựa trên cơ sở vững chắc những kiểm tra xác nhận như thế, nhưng cũng cần bao gồm việc xem xét và soát xét chi tiết toàn bộ quá trình đo để đưa ra sự đảm bảo về chất lượng của các phép đo được thực hiện với thiết bị đo, hỗ trợ cho việc xác định sự phù hợp của sản phẩm với yêu cầu của khách hàng.

đo lường

Kiểm tra xác nhận đo lường

Ví dụ: theo ví dụ ở A.2, giả thiết sai số phát hiện khi hiệu chuẩn là 3 kPa ở 200 kPa với độ không đảm bảo đo của phép hiệu chuẩn là 0,3 kPa. Như vậy thiết bị không phù hợp với yêu cầu về sai số cho phép lớn nhất. Sau khi hiệu chỉnh, sai số phát hiện khi hiệu chuẩn là 0,6 kPa và độ không đảm bảo của quá trình hiệu chuẩn là 0,3 kPa.

Như vậy là thiết bị phù hợp với yêu cầu về sai số cho phép lớn nhất và có thể xác nhận để sử dụng với giả thiết là đã nhận được bằng chứng về sự phù hợp của độ trội. Tuy nhiên, nếu thiết bị được đưa để xác nhận lại, người sử dụng thiết bị cần được thông báo về kết quả của lần hiệu chuẩn đầu tiên từ khi các hành động khắc phục có thể được yêu cầu liên quan đến việc thực hiện sản phẩm trong khoảng thời gian trước khi thiết bị ngừng sử dụng chờ xác nhận lại.

Dù do người sử dụng hoặc bộ phận quản lý đo lường thực hiện, các kết quả của quá trình kiểm tra xác nhận đều có thể trình bày trong một tài liệu về kiểm tra xác nhận với sự bổ sung thêm các giấy chứng nhận hoặc biên bản hiệu chuẩn, thử nghiệm như là một phần của quá trình đánh giá trong hệ thống xác nhận đo lường.

Giai đoạn cuối cùng trong hệ thống xác nhận đo lường là sự nhận biết một cách thích hợp về tình trạng của thiết bị đo, ví dụ bằng dấu hiệu, bằng dán nhãn vv... và sau đó thiết bị đo có thể sử dụng cho mục đích đã được xác nhận của nó.

Tổng kết

Trên đây là các bước trong quy trình xác nhận đo lường, quản lý đo lường mà nhà nước ban hành. Mong các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích sau bài viết này.

Xem thêm: Tổng Quan Về Công Dụng Của Đồng Hồ Vạn Năng


Thẻ:Tin Tức

Xem thêm bài viết