Hằng năm có rất nhiều người lao động gặp chấn thương về chân do không sử dụng giày bảo hộ lao động hay có sử dụng nhưng lại sử dụng không đúng cách hoặc chọn loại giày bảo hộ không thích hợp với tính chất môi trường lao động.
Thế Nào Là Giày Bảo Hộ Lao Động?
Hiện nay có rất nhiều ngành nghề phải làm việc tại những môi trường hóa chất, nhiều vật sắc, nhọn trên mặt đất. Vì thế nên người lao động phải trang bị cho mình giày bảo hộ lao động để giảm thiểu những mối nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, làm giảm năng suất lao động. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về công dụng cũng như tầm quan trọng của giày bảo hộ lao động.
Giày bảo hộ lao động là một thiết bị bảo hộ lao động cá nhân (PPE) nhằm giúp bảo vệ đôi chân của người lao động tại môi trường làm việc. Đây là chủng giày có cấu tạo cứng cáp, được sản xuất từ những chất liệu tốt, bền bỉ và thường được ứng dụng trong những môi trường làm việc như công trường, xưởng cơ khí chế tạo, hầm mỏ nhằm giúp người lao động có thể hạn chế được những nguy cơ gây ra chấn thương bàn chân do bề mặt trơn trượt, vật nặng, vật sắc nhọn, vật nóng, điện, hóa chất hay thậm chí có thể là do thời tiết xấu,…
Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ quy định rằng người sử dụng lao động phải đảm bảo người lao động có sử dụng các loại giày bảo hộ khi họ phải làm việc tại những môi trường lao động tiềm tàng rủi ro chấn thương chân, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giày bảo hộ lao động Jogger
Cấu Tạo Cơ Bản Và Chức Năng Của Giày Bảo Hộ Lao Động
Mũi Giày
- Vật liệu: Thép hoặc Composite.
- Chức năng: Chống dập ngón chân khi gặp phải những vật nặng rơi như gạch, đá, sắt, thép.
Không giống với những loại giày thời trang, giày bảo hộ lao động thường được các nhà sản xuất trang bị mũi giày làm bằng thép. Trong các sản phẩm giày bảo hộ lao động phổ thông, mũi giày thường sẽ được cấu tạo từ thép hợp kim.
Trường hợp đối với các sản phẩm giày bảo hộ cao cấp, nhà sản xuất sẽ sử dụng composite làm vật liệu để chế tạo nên mũi giày. Composite là một loại vật liệu nhẹ hơn, dẻo dai hơn so với thép và không bị thay đổi kết cấu khi bị tác động quá lực. Đặc biệt, đây là một vật liệu phi kim, rất thích hợp cho việc sử dụng trong những môi trường hạn chế kim loại như sân bay hoặc nhà máy điện.
Lớp Lót Chống Đâm Xuyên
- Vật liệu: Thép hoặc Tấm Kevlar.
- Chức năng: Chống vật nhọn đâm xuyên như đinh, sắt thép.
Một đôi giày bảo hộ lao động đạt tiêu chuẩn phải được trang bị tấm lót chống đâm xuyên. Bộ phận này thông thường sẽ được cấu tạo từ thép hợp kim và được gắn vào vị trí giữa 2 lớp đế PU của giày bảo hộ.
Lớp lót chống đâm xuyên
Trường hợp đối với các sản phẩm giày bảo hộ cao cấp, nhà sản xuất sẽ sử dụng tấm Kevlar làm vật liệu để chế tạo nên lớp lót chống đâm xuyên. Kevlar là một loại vật liệu nhẹ hơn, chịu lực đâm xuyên tốt hơn so với thép. Đặc biệt, đây là một vật liệu phi kim nên có thể giúp người sử dụng hạn chế các rủi ro từ điện.
Đế Giày
- Vật liệu: PU/ TPU/ Cao su/ Phylon.
- Chức năng: Chống trơn trượt, chống chịu nhiệt, chống tĩnh điện, gót giảm sốc.
Đế giày là bộ phận chịu lực chính và bảo vệ người sử dụng tránh nhưng rủi ro từ các tác nhân vật lý hay hóa học. Thông thường, phần đế của giày bảo hộ lao động sẽ là đế đúc từ 2 hay nhiều lớp với mật độ khác nhau.
Đối với các lớp giày ở trên thì thường sẽ được nhà sản xuất gia công với mật độ mỏng hơn, giúp cho đế giày có độ đàn hồi cao nhằm có thể giảm sốc khi di chuyển hoặc chịu va đập. Đối với các lớp giày ở phần bên dưới thì sẽ được nhà sản xuất nén ở mật độ cao, đặc hơn gấp nhiều lần nhằm làm tăng khả năng chống đâm xuyên của phần đế giày.
Trường hợp đối với các sản phẩm giày bảo hộ cao cấp, nhà sản xuất sẽ sử dụng đế giày được làm từ cao su bởi vì đây là một loại vật liệu có tính đàn hồi cao và khả năng chịu nhiệt tốt. Ngoài ra, cao su còn có khả năng chống tĩnh điện và chống trơn trượt tốt hơn so với các vật liệu thông thường khác.
Phần đế của giày bảo hộ lao động thông thường sẽ được xẻ rãnh khá sâu nhằm mục đích tăng độ ma sát ở những môi trường trơn trượt như sàn dầu.
Lót Giày
- Vật liệu: EVA/ Cao su Latex.
- Chức năng: Giảm chấn.
Phần lót giày của giày bảo hộ lao động có tính năng chống sốc, giúp bảo vệ gót chân của người lao động, giảm thiểu sự mệt mỏi khi phải vận động nhiều. Bộ phận này thông thường sẽ được cấu tạo từ foam EVA, đối với những dòng sản phẩm giày bảo hộ lao động cao cáp hơn thì nhà sản xuát sẽ sử dụng vật liệu Latex với độ êm ái siêu việt.
Mặt Trong
- Vật liệu: Mesh Nylon/ Cambrella/ Coolmax/ Cosmo.
- Chức năng: Thoáng khí, giúp đẩy hơi ẩm lên bề mặt của giày.
Mặt trong cùng với phần lót giày có tác dụng tăng sự êm ái cho đôi bàn chân của người sử dụng. Hơn nữa, một số nhà sản xuất còn sử dụng những loại sợi tổng hợp cao cấp như Coolmax hay Cambrella nhằm mục đích đẩy mồ hôi từ bên trong giày lên bề mặt thân giày, giúp tạo cảm giác khô thoáng, giảm thiểu mùi hôi khi sử dụng lâu dài.
Đối với những đôi giày bảo hộ lao động đạt tiêu chuẩn kháng nước WRU, phần mặt trong của giày được chế tạo từ một loại sợi đặc biệt có tên là Cosmo. Lớp Cosmo này mang nhiệm vụ giống như van 1 chiều, giúp ngăn cản hơi nước từ môi trường bên ngoài vào nhưng đồng thời lại đẩy hơi nước từ bên trong giày bảo hộ ra với tốc độ bay hơi nhanh gấp 3 lần so với những loại sợi Nylon thông thường trên những đôi giày bảo hộ phổ thông.
Thân Giày
- Vật liệu: Da thật/ Vải Canvas/ Sợi Codura.
- Chức năng: Chống trơn trượt, chống chịu nhiệt, chống tĩnh điện, gót giảm sốc.
Bộ phận thân giày bảo hộ lao động thường có chức năng chống thấm nước. Đặc biệt, những đôi giày bảo hộ đạt tiêu chuẩn S3 có thể giúp người sử dụng đi trên sình lầy hoặc vũng nước vô cùng thoải mái mà không lo tổn hại đến bàn chân của mình. Hơn nữa, khi đạt được đến tiêu chuẩn này, những đôi giày bảo hộ lao động khi bị ngâm nước có thể trụ được đến 15 phút trước khi nước bị ngấm vào trong.
Kết Luận
Với những tính năng ưu việt đã nêu ở trên của giày bảo hộ lao động, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng cũng như là những lợi ích mà đôi giày bảo hộ có thể mang đến cho người sử dụng.
Xem thêm: Tổng quan về nước rửa tay khô