|Công Nghệ| – Trong cuộc đua tái mở cửa hậu dịch bệnh, các sân bay quốc tế đang ráo riết theo đuổi công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và quét sinh trắc để tạo nên một hành trình “không tiếp xúc” cho du khách. Ý tưởng này là xu hướng nhất thời, hay sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn của sân bay tương lai?
Hãy tưởng tượng bạn bước vào sân bay, khai báo các chỉ số sức khỏe, hoàn tất thủ tục an ninh và lên máy bay mà không cần chạm vào bất cứ màn hình, tấm vé hay nhân viên nào. Đó chính là kịch bản các chính phủ đang hướng đến, và dịch bệnh đang thúc đẩy quá trình này nhanh và mạnh hơn bao giờ hết.
Tại sân bay Changi của Singapore, các máy đo thân nhiệt đã được lắp đặt để nhận biết nhiệt độ của mọi nhân viên và khách du lịch ngay tại các khu vực chuyển khẩu. Sân bay quốc tế Hồng Kông cũng đang vận dụng các rô bốt tiệt trùng thông minh để lau dọn nhà vệ sinh và các khu vực công cộng.
Trong khi đó ở Abu Dhabi, hãng hàng không Etihad đang thực hiện thử nghiệm các quầy tự phục vụ, được phát triển bởi Elenium Automation. Các quầy này sẽ giám sát thân nhiệt, nhịp tim và tình trạng thở của hành khách và chỉ ra những người cần được chăm sóc y tế. Dù không được thiết kế để chẩn đoán bất cứ bệnh lý y khoa nào, thiết bị này có thể xử lý một khối lượng dữ liệu sinh học lớn.
“Chúng tôi thử nghiệm công nghệ này vì tin rằng nó không chỉ giúp ích trong mùa Covid-19 hiện tại mà còn giúp hạn chế các yếu tố bất ngờ trong tương lai,” Jorg Oppermann, phó chủ tịch bộ phận của Etihad Airways cho biết.
Các sân bay tại Mỹ cũng đã rục rịch bước vào cuộc đua, dù chậm. Kể từ năm 2015, Cục An ninh Vận tải (TSA) đã sử dụng các xét nghiệm sinh trắc để định danh chứ chưa phải kiểm tra sức khỏe. Cơ quan này hiện tại vẫn chưa thực hiện chương trình nào để đối phó tình hình dịch bệnh.
Khối tư đang lấp đầy khoảng trống của TSA. “Phần còn lại của thế giới đang đi trước các sân bay Mỹ về mặt công nghệ. Chúng ta đang nói tới cả sân bay và ngành hàng không. Họ đều đang tiến tới trạng thái bình thường mới (new normal),” Derek Peterson CEO Soter Technologies nhận định.
Công ty của ông hiện đang phát triển một loại thiết bị mới có tên gọi “Symptom Sense” (cảm biến triệu chứng) có khả năng quét nồng độ oxy trong máu, nhiệt độ, nhịp tim và tốc độ hít thở mà không cần thực hiện bất cứ động chạm vật lý nào. Chiếc máy này có giá trị 35.000 USD và sẽ ra mắt thị trường vào tháng Sáu năm nay.
Tuy vậy đo thân nhiệt vẫn chưa đủ, bởi rất nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ không thể hiện triệu chứng bên ngoài. Điều này đồng nghĩa du khách có thể phải chuẩn bị tinh thần cho sự xuất hiện của các thiết bị giám sát hình ảnh để theo dấu sinh trắc. Xu hướng này có tồn tại vĩnh viễn hay cách thức chia sẻ của nó vẫn là những câu hỏi chưa lời giải. Nhưng đây là điều đang thực sự xảy ra.
Nhiều quốc gia vẫn đang chần chừ áp dụng công nghệ giám sát hình ảnh bởi các rắc rối phát sinh trong việc bảo mật thông tin và bảo mật an ninh mạng. Tại nhiều nước, việc chia sẻ thông tin vẫn vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ công chúng. Vậy nên viễn cảnh sân bay không tiếp xúc có thể không quá gần như nhiều người nghĩ.
“Chúng tôi tin rằng tiếp cận thông tin sẽ giúp đưa đường cho đổi mới sáng tạo. Xã hội có thể đồng thuận với việc thu thập thông tin, nhưng chúng cần được quản lý chặt chẽ, theo cách thức đáng tin cậy,” Jeni Tennison, phó chủ tịch và cố vấn chiến lược của Viện Dữ liệu mở cho hay.
Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế Liên hiệp quốc (ICAO) đang cố gắng thay đổi tình hình nói trên. Ngày 29.4 vừa qua, cơ quan này thiết lập Lực lượng Phục hồi Hàng không Covid-19, với đại diện từ 36 quốc gia khác nhau, tận dụng “các thông tin ngành và chính phủ có sẵn” để tạo ra những giải pháp cho lĩnh vực.
ICAO đang bắt tay với nhiều đối tác, trong số đó có Hội đồng Hàng không quốc tế – “tiếng nói của các sân bay thế giới” và SITA – công ty IT đa quốc gia đang cung cấp dịch vụ cho hơn 1.000 sân bay trên thế giới. Các tổ chức này đều tin rằng sân bay không tiếp xúc chính là hướng đi mới cho ngành.
“Các công nghệ như đo sinh trắc, cổng điện tử tự động và AI đóng vai trò quan trọng trong cả hiện tại và tương lai,” Nina Brooks, giám đốc an ninh của ACI cho biết.
Blockchain – công nghệ gây tranh cãi vì không thuộc quyền quản lý của bất cứ nhà nước nào cũng đang được xem xét, theo CEO Barbara Dalibard của SITA. “Chúng tôi tin rằng blockchain cực kỳ thích hợp với ngành hàng không vì nó có thể bảo vệ các thông tin được chia sẻ,” bà nói.
Nhìn ở mặt tích cực, đại dịch Covid-19 chính là phép thử đặt lên bộ máy kinh tế thế giới. Cách duy nhất để các hãng hàng không sống sót khỏi đợt khủng hoảng này chính là bắt tay liên kết, chứ không phải dựng nên các rào chắn, để ứng dụng công nghệ.
(Theo Forbes Việt Nam)