Facebook – có thể bị ép bán hai tài sản giá trị của mình là Instagram và WhatsApp khi Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ và gần như tất cả các bang của Mỹ (48 bang) đâm đơn kiện công ty truyền thông khổng lồ này. Vụ việc này đã khiến Facebook trở thành công ty công nghệ lớn thứ hai đối mặt với rắc rối luật pháp năm nay, sau khi Alphabet Inc’s Google bị kiện bởi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ vào tháng 10.
Facebook thâu tóm những công ty mới nổi để giảm sự cạnh tranh
Facebook bị kiện vì vi phạm luật chống độc quyền khi mua lại Instagram 8 năm trước và WhatsApp 6 năm trước. Năm 2012, Facebook đã mua Instagram với giá 1 tỷ đô, và hai năm sau đó, Facebook chi 19 tỷ đô để mua lại WhatsApp.
Liên bang và các nhà chức trách bang cho rằng việc mua lại này nên được huỷ bỏ, Instagram và WhatsApp nên là các công ty độc lập không thuộc Facebook dù rằng chính Uỷ ban thương mại Liên bang thông qua việc mua bán này năm 2012 và 2014.
“Trong suốt một thập kỷ, Facebook đã dùng sức mạnh độc quyền và lợi thế cạnh tranh của mình để đàn áp các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn, gây bất lợi cho người tiêu dùng – những người sử dụng mạng xã hội” – luật sư Letitia James – đại diện 46 bang của Mỹ phát biểu. Vị luật sư này cho rằng, chiến lược của Facebook là mua lại các công ty cạnh tranh trước khi chúng có cơ hội đe doạ đên sự phát triển của Facebook.
Cụ thể, một vài chuyên gia về luật chống độc quyền cho rằng vụ kiện này có những cơ sở nhất định khi mà Mark Zuckerberg đã từng viết trong một email vào năm 2008 rằng “thà mua lại còn hơn cạnh tranh”. Không những thế, Zuckerberg cũng viết “Tôi không có ý chúng tôi mua lại các công ty để đề phòng sự cạnh tranh” sau khi gửi đi một email giải thích về việc mua lại các công ty nhỏ, điều này được luật sư chống lại sự độc quyền cho rằng là một hành động thừa nhận tội lỗi.
Tuy vậy, những chuyên gia khác cũng tin rằng, đơn khiếu nại của Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ là khá yếu so với vụ kiện của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chống lại Google, bởi vụ kiện liên quán đến việc mua lại diễn ra cách đây tận 6 và 8 năm trước.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng vụ kiện có thể sẽ kéo dài nhiều năm, khả năng Uỷ ban Thương mại Mỹ và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thành công trong việc chia nhỏ Facebook là không chắc chắn.
Đây được xem là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất gần đây, có thể so sánh với vụ kiện của Microsoft Corp năm 1998. Chính quyền liên bang xử hoà cho vụ kiện này, dù vậy vụ kiện kéo dài nhiều năm đã giảm bớt năng lực cạnh tranh của Microsoft so với đối thủ.
Facebook thông báo sẽ mua công ty khởi nghiệp về chăm sóc khách hàng Kustomer với giá 1 tỷ đô. Facebook cũng đã mua Giphy, một website nổi tiếng về tạo và chia sẻ ảnh động, GIFs và tháng 5 vừa qua. Vụ mua bán này cũng đã thu hút sự chú ý của các nhà chức trách.
Tác động đến người dùng
“Hàng triệu người dân My đang sử dụng các dịch vụ mạng xã hội mỗi ngày”. Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ cho rằng việc mua bán, sáp nhập với các công ty con của Facebook nhằm mục đích giảm bớt sự cạnh tranh và giữ vững vị trí thống lĩnh của mình gây ảnh hưởng không tốt tới người dùng. “Mục đích của chúng tôi là đảm bảo sự canh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, nhờ đó đổi mới sáng tạo và tự do cạnh tranh được đảm bảo, đem đến lợi ích cho người dùng“. Ian Conner, giám đốc Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho hay.
Một trong những khía cạnh được xem xét trong vụ việc này là chất lượng của sản phẩm có bị giảm đi đứng trên góc độ người tiêu dùng hay không, cụ thể về chính sách bảo mật thông tin. Việc Facebook mua lại WhatsApp và tận dụng thông tin người dùng được cho là gây hại tới người sử dụng các dịch vụ này. Sự cạnh tranh giữa các công ty nhằm đảm bảo người dùng có chính sách bảo mật tốt hơn.
Đáng chú ý, cha đẻ của Instagram và WhatsApp đều rời Facebook vì không đồng tình với chính sách bảo mật của công ty này. Cụ thể, đồng sáng lập WhatsApp Brian Acton đã lên tiếng không đồng tình với hướng đi mà Facebook định ra cho sản phẩm của anh. Jan Koum, nhà sáng lập WhatsApps khác cũng rời Facebook không lâu sau đó vì xung đột với nhà điều hành công ty về cách thức chia sẻ thông tin của công ty. Đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom and Mike Krieger cũng rời Facebook vì lý do tương tự.
Đại diện Jerrold Nadler cũng phản đối việc sáp nhập này và cho rằng “Thay vì cạnh tranh với Instagram và WhatsApp, có vẻ như Facebook đã mua các công ty này để bành trướng và thống lĩnh thị trường. Đây là chuyện không nên xảy ra và lẽ ra Facebook phải chịu trách nhiệm cho việc này từ lâu rồi.”
Sự phát triển lớn mạnh của Facebook làm giảm sự lựa chọn giữa các mạng xã hội để dùng cho người tiêu dùng, từ đó trải nghiệm người dùng các sản phẩm này trở nên nghèo nàn. Không những thế, ngành công nghiệp công nghệ có thể sẽ nhận được ít đầu tư hơn vào các công ty tiềm năng cung cấp dịch vụ tương tự.
Đơn kiện đến từ các bang cũng kêu gọi toà án yêu cầu Facebook phải báo trước về bất cứ vụ mua bán sáp nhập nào có trị giá từ 10 triệu đô trở lên.
Facebook nói gì trước những lời cáo buộc
Đứng trước những lời cáo buộc này, cố vấn của Facebook – bà Jennifer Newstead cho rằng luật chống độc quyền sinh ra không phải để trừng phạt những công ty thành công. Bà cho rằng sự thành công của WhatsApp và Instagram là nhờ hàng tỷ đô la đầu tư mà Facebook đã rót vào hai ứng dụng này. Bà còn nói thêm rằng “Việc thay đổi quyết định này của chính phủ Mỹ là lời nhắn nhủ tới các doanh nghiệp Mỹ rằng những quyết định mua bán ký kết chưa chắc đã là quyết định cuối cùng”.
Bà ấy cũng không đồng tính với việc Facebook bị cho là làm tổn hại người tiêu dùng, bà cho rằng khách hàng là người hưởng lợi trực tiếp khi mà họ có thể xài WhatsApp miễn phí, và các đối thủ như YouTube, Twitter và WeChat vẫn phát triển bình thường trước việc Facebook mua lại các công ty con. Bà nói rằng “Người dùng và các doanh nghiệp nhỏ không chọn dùng các dịch vụ và quảng cáo miễn phí của Facebook vì bị bắt buộc, họ lựa chọn dùng những ứng dụng và dịch vụ này bởi chính giá trị mà chúng đem lại.” Bà cũng cho biết thêm rằng công ty sẽ làm hết sức mình để bảo vệ quyền chọn lựa này của người dùng.
Ngoài ra, Facebook cũng cho rằng cả hai cuộc mua bán sáp nhật đều đã được thông qua bởi cơ quan hành pháp và việc thay đổi kết quả đó vào lúc này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu. “Vài năm sau khi quyết định sát nhập được thông bởi Uỷ ban thương mại Liêng bang, chính phủ giờ đây muốn lật lại quyết định, mà không nghĩ tới ảnh hưởng xấu việc này sẽ gây ra đối với toàn thể cộng đồng các doanh nghiệp, và những người chọn sử dụng dịch vụ của chúng tôi”, công ty này cho biết.
Về phía CEO Mark Zuckerberg, ông động viên nhân viên của mình rằng dù kết quả của vụ kiện ra sao, các vị trí của các cá nhân trong công ty sẽ không bị ảnh hưởng, và diễn tiến của vụ kiện có thể sẽ kéo dài trong vài năm. Nhân viên công ty cũng được khuyên rằng không nên đăng bài về vụ việc này,
Nhìn chung, vụ kiện này có thể sẽ kéo dài nhiều năm và kết quả ra sao cũng chưa thể tiên đoán được. Dù vậy, từ những gì xảy ra với Microsoft, có thể thấy ảnh hưởng từ vụ kiện là vô cùng to lớn, bởi điều này tạo điều kiện cho các công ty đối thủ vươn lên.
Nếu quyết định của toà án là chia nhỏ Facebook hoặc giới hạn một vài động thái của công ty này, điều này sẽ ảnh hưởng đến cách các công ty khởi nghiệp hình thành phát triển, đồng thời các sản phẩm của những công ty này trong tương lai cũng sẽ bị tác động.
Tham khảo:
https://www.reuters.com/article/us-tech-antitrust-facebook/facebook-faces-u-s-lawsuits-that-could-force-sale-of-instagram-whatsapp-idUSKBN28J2UL
https://edition.cnn.com/2020/12/09/tech/facebook-antitrust-lawsuit-ftc-attorney-generals/index.html
Hình ảnh: